Nét Tinh Hoa Gốm Sứ Thời Lý – Trần

Vào thế kỷ X, lịch sử dân tộc ta bước sang giai đoạn mới: thời kỳ xây dựng một quốc gia độc lập, tự chủ. Sau hơn 10 thế kỷ bị phong kiến phương Bắc đô hộ.

Giá trị nghệ thuật gốm sứ thế kỷ XI-XII

Trong suốt 4 thế kỷ qua 2 triều đại Lý, Trần, xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển mới vượt bậc. Riêng đồ gốm đã đạt được những thành tựu rực rỡ.

Với vốn kinh nghiệm tích lũy lâu đời, nhất là sau khi thoát khỏi ách đô hộ ngoại bang. Người thợ gốm Việt Nam càng có điều kiện phát huy tài năng sáng tạo của mình. Nhằm thúc đẩy nghề gốm của ta tiến một bước dài về kỹ thuật lẫn nghệ thuật.

Đồ gốm Việt Nam đã có một ảnh hưởng nhất định đến một số nước trong vùng trong việc sản xuất gốm. Đặc biệt người Nhật rất ca ngợi đồ gốm Việt Nam.

Những người thợ gốm giỏi của Nhật thừa nhận: việc bắt chước được đồ gốm của người Việt là một thành công lớn đối với họ.

Trong thế kỷ XI – XII, những trung tâm sản xuất đồ gốm ở nước ta phần lớn là ở Thăng Long, Thanh Hóa và một số vùng lân cận Thăng Long như Bát Tràng, Thổ Hà, Phú Lãng… Đồ gốm trong giai đoạn này không chỉ là đồ gia dụng mà còn phát triển mạnh các sản phẩm trang trí kiến trúc.

Nhu cầu xây dựng nhà ở khang trang, đẹp đẽ của nhân dân ngày một gia tăng. Cùng với sự phát triển xây dựng những cung điện nguy nga, những chùa tháp phục vụ tôn giáo dưới triều Lý-Trần, đòi hỏi vật liệu trang trí kiến trúc và vật liệu xây dựng phải đáp ứng cả 2 yêu cầu đẹp và bền vững.

Đó là những nguyên nhân khiến cho sản phẩm gốm thời Lý – Trần phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng và mỹ thuật.

Gốm sứ mang đậm tính dân tộc

Cho đến nay những di tích xây dựng từ thời Lý như chùa Dạm, chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Đặc biệt kinh thành Thăng Long cũ (mới đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích ở khu Hoàng Thành là nơi tập trung xây dựng nhiều cung điện của vua quan thời Lý-Trần).

Đã cho thấy các loại, gạch, ngói cùng các chi tiết trang trí kiến trúc bằng đất nung để mộc hoặc phủ men có giá trị nghệ thuật độc đáo.

Đó là những viên gạch có hoa văn trang trí dùng lát nền hoặc xây xốp trang trí mặt tường các cung điện, chùa tháp (như tháp Bình Sơn, Vĩnh Phúc).

Loại gạch này có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, gồm nhiều hình rồng, phượng, hoa lá… khắc chìm hoặc in nổi lên mặt gạch.

Phương pháp thể hiện trang trí chủ yếu là in khuôn lên mặt gạch khi đất còn ướt. Bố cục trang trí linh hoạt.

Những viên gạch vuông chung quanh viền một đường chỉ hình tròn, trong hình toàn chạm hoa sen, hoặc hoa cúc dây mềm mại. Có khi chạm hình rồng uốn khúc, thắt túi.

Có loại gạch hình đa giác, có loại tròn, có loại hình chữ nhật. Có những bố cục trang trí to, rộng, muốn trang trí trọn vẹn phải dùng nhiều viên gạch gắn ghép với nhau mới thành hình như những viên gạch lát nền in hình hoa thị và hoa cúc phối hợp nhau.

Bên cạnh đồ gốm mang tính chất trang trí là chủ yếu còn có đồ gốm gia dụng phần lớn có tráng men. Không chỉ có giá trị sử dụng mà còn thể hiện trình độ kỹ thuật, nghệ thuật cao của nghề gốm thời Lý-Trần ở nước ta.

Về kỹ thuật lò nung gốm, thời Lý-Trần có bước tiến lớn như việc sử dụng lò cóc, lò nằm. Có khi dùng cả lò rồng để nâng nhiệt độ nung cho sản phẩm lên đến 12800C.

Những đồ gốm gia dụng thời Lý-Trần _ từ loại gốm men ngọc tinh tế đến đồ gốm trang trí men nâu thoáng đạt _ đều do nghệ nhân người Việt tạo ra.

Nên dù có bị ảnh hưởng bởi giao lưu văn hóa nghệ thuật với nước ngoài cũng như việc hướng đến yêu cầu phục vụ tôn giáo và tầng lớp quý tộc phong kiến lúc bấy giờ.

Nhưng vẫn mang đậm tính dân tộc, với một hình thức giản dị, màu sắc êm dịu, ấm cúng, cách trang trí trong sáng, thiết thực, không mang tính phô trương, cầu kỳ, xa lạ với người lao động.

@Theo tài liệu nghề thủ công mỹ nghệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Translate »

Gọi ngay

Contact Me on Zalo